Những thành tựu y học do cách mạng 4.0 mang lại, những thách thức về quản lý và đạo đức y tế

Thứ ba - 27/02/2024 08:51
Nhân chuyến thăm Bình Định, sáng ngày 23/2/2024 GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi nói chuyện với nhân viên ngành y tế tỉnh Bình Định và các cơ sở y tế Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.
GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói chuyện với nhân viên ngành y tế tỉnh Bình Định
GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói chuyện với nhân viên ngành y tế tỉnh Bình Định
Buổi nói chuyện với chuyên đề “Những thành tựu y học do cách mạng 4.0 mang lại; những thách thức về quản lý và đạo đức y tế” càng có ý nghĩa hơn khi được Sở Y tế tổ chức nhân dịp ngành tổ chức kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2024) . Tham dự buổi nói chuyện còn có đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Liên hiệp các hội KH&KT  tỉnh, đông đảo đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và được kết nối trực tuyến với các cơ sở y tế các tuyến.
Trách nhiệm, tận tụy, hy sinh vì người bệnh
GS.TSKH Nguyễn Mạnh Hùng đã chúc mừng những thành tựu của ngành y tế tỉnh Bình Định thời gian qua và Giáo sư cũng chia sẻ niềm vui khi ở cả 3 đại nạn của ngành y tế cả nước Bình Định đều không vướng phải.
Tại buổi nói chuyện GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng chỉ rõ y tế không chỉ có vai trò trong chăm sóc sức khỏe với trách nhiệm, tận tụy, hy sinh vì người bệnh mà còn có vai trò trong công tác an sinh xã hội . Ông cũng đã phân tích, làm rõ, lý giải trên cơ sở luận cứ khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm về các nội dung liên quan đạo đức y tế thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Trong đó, tập trung vào 5 vấn đề mấu chốt chuyển đổi của y học, y tế thời nay. Đó là người thầy thuốc không còn  vai trò độc tôn trong chăm sóc sức khỏe. KHCN tiến bộ nhanh làm thay đổi chất lượng chăm sóc sức khỏe. Kinh tế thị trường đã xâm nhập vào mọi ngóc ngách ngành y tế, kể cả đạo đức y tế. Y học và y tế ngày càng thể hiện mối liên quan đến an sinh xã hội. Toàn cầu hóa đã trở thành xu thế tất yếu của y học và y tế.
Đồng thời, phân tích những thuận lợi và thách thức thời hội nhập; những thách thức về đạo đức y tế khi áp dụng công nghệ cao, như: Người thầy thuốc dễ trở nên ỷ lại và dựa dẫm hoàn toàn vào kỹ thuật, coi nhẹ việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dẫn đến xa lánh người bệnh; các kỹ thuật cao dễ bị lạm dụng, kinh nghiệm lâm sàng dễ bị coi nhẹ… Do đó, cần phải định kỳ thăm khám trực tiếp người bệnh; có thói quen đối chiếu kết quả xét nghiệm với lâm sàng…
GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng cũng chia sẻ các vấn đề mấu chốt trong y đức. Đó là trách nhiệm, tận tụy, hy sinh vì sinh mạng người bệnh; không được lợi dụng việc ốm đau của người bệnh để biến thành cơ hội làm giàu bất chính cho bản thân người thầy thuốc…
Khoa học công nghệ phát triển đến đâu đều do con người tạo ra và con người áp dụng
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho biết, không thể phủ nhận những lợi ích của sự phát triển khoa học kỹ thuật khi ứng dụng trong đời sống của con người và xã hội, đặc biệt đối với ngành y. Tuy nhiên, dù KHCN phát triển đến đâu thì cũng do con người tạo ra và do con người áp dụng. Vì vậy, vẫn còn đó những tồn tại mà nếu chúng ta không làm chủ được KHCN thì hậu quả để lại cũng rất lớn.
Ông dẫn chứng, trên thế giới và tại Việt Nam, sự phát triển của KHCN trong ngành y tế đã tạo ra những thành tựu trong y học nổi bật như: Thành tựu y sinh học với việc phát hiện 6 bộ phận với chức năng mới trong cơ thể; điều trị ung thư, công nghệ in 3D; công nghệ Nano và y học; phẫu thuật bằng robot; big DATA và y học; trí tuệ nhân tạo và y học; công nghệ sinh học và y học; công nghệ tế bào gốc…
Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, song song với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng kéo theo những mặt trái của nó, đó là thách thức với đạo đức cán bộ y tế. Người thầy thuốc dễ trở thành tụt hậu và bất lực trước sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ cao. Người thầy thuốc dễ trở nên ỷ lại và dựa dẫm hoàn toàn vào kỹ thuật mà coi nhẹ việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dẫn đến xa lánh người bệnh, méo mó nghề nghiệp. Người thầy thuốc dễ lạm dụng công nghệ cao ở mức độ tinh vi vì những mục đích khác nhau trong đó có mục đích vụ lợi được che đậy một cách tinh vi bởi công nghệ cao…
Bằng dẫn chứng cụ thể, GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng đã phân tích và gửi gắm đến những người thầy thuốc của hiện tại cần có cái nhìn tổng quan, có hướng đi cụ thể, tận dụng thành công của khoa học kỹ thuật trong y học nhưng không được lơ là mà phải luôn nâng cao đạo đức y tế.
Công nghệ càng cao, y đức càng phải sáng
Theo GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng, dù ở bất kể thời đại nào, trong bối cảnh nào chăng nữa, không có nghề nào đòi hỏi vấn đề đạo đức cao như ngành y tế. Ông nhấn mạnh rằng KHCN càng phát triển, y tế càng ngày càng chuyên sâu thì quản lý y tế càng phức tạp, đạo đức y tế càng dễ vi phạm. Nên, dù ở đâu, công nghệ càng cao, y đức càng phải sáng. Nếu không, sự xuống cấp của đạo đức y tế sẽ bị che lấp và được ngụy biện bằng công nghệ. Ông mong Sở Y tế Bình Định, ngành y tế tỉnh và các lãnh đạo của các bệnh viện, trung tâm y tế cùng chung một suy nghĩ như vậy, GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng nhắn nhủ.

Tác giả bài viết: Tuyết Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay344
  • Tháng hiện tại67,257
  • Tổng lượt truy cập1,437,170
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây